​QUAN HỆ  VIỆT NAM – U-CRAI-NA:

QUAN HỆ VIỆT NAM – U-CRAI-NA:

Việt Nam và U-crai-na thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/1/1992.

Việt Nam đã lập Đại sứ quán ở Ki-ép cuối năm 1992. U-crai-na mở Đại sứ quán ở Hà Nội đầu năm 1997.

Hai nước đã ký trên 20 Hiệp định về hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng như hợp tác kinh tế - thương mại, trong đó hai bên dành cho nhau quy chế tối huệ quốc, vận tải biển, vận chuyển hàng không, văn hoá, giáo dục và khoa học, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần…

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:

Việt Nam và U-crai-na có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.

Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, kể cả cấp cao:

- Tháng 10/1993 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm U-crai-na.

- Tháng 4/1994 Bộ trưởng Ngoại giao Dơ-len-cô thăm Việt Nam

- Tháng 6/1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm U-crai-na

- Tháng 4/1996 Tổng thống Cu-trơ-ma thăm Việt Nam. Hai bên đã ký Hiệp ước về các nguyên tắc quan hệ và hợp tác giữa CH XHCN Việt Nam và U-crai-na

- Tháng 4/2000 Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm U-crai-na. Ký Tuyên bố chung.

- 18-22/1/2003 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức U-crai-na. Sau đó hai Quốc hội đã lập nhóm nghị sỹ hữu nghị.

- Tháng 6/2008, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm không chính thức U-crai-na.

- Tháng 12/2010, Chủ tịch Quốc hội U-crai-na V. Lít-vin thăm Việt Nam.

- Tháng 3/2011, Tổng thống U-crai-na V. Ia-nu-cô-vích thăm chính thức Việt Nam.

Hợp tác trên các diễn đàn quốc tế:

Việt Nam và U-crai-na phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. U-crai-na ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam đã ủng hộ U-crai-na trở thành quan sát viên của Cộng đồng Pháp ngữ, tái ứng cử vào Hội đồng nhân quyền. Hai bên đều công nhận lẫn nhau là nước có nền kinh tế thị trường. Ta đã ủng hộ Bạn gia nhập WTO.

II. HỢP TÁC KINH TẾ:

Hai bên đã tiến hành 11 khoá họp Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (khoá họp lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội tháng 12/2010).

1. Về thương mại: Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2008 kim ngạch thương mại hai nước tăng đáng kể, đạt 540 triệu USD (2007 đạt 151 triệu). Năm 2009 đạt 463,7 triệu USD; năm 2010 đạt 255,7 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2011 đạt 57,1 triệu USD (giảm 58% so với cùng kỳ năm 2010).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo, chè, cà phê, cao su tự nhiên, thuỷ sản, hàng dệt may, giầy dép, đông dược… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ U-crai-na là sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị, hoá chất.

Phía U-crai-na dành cho Việt Nam chế độ tối huệ quốc trong việc cung cấp thuỷ hải sản sang U-crai-na.

2. Hợp tác năng lượng:

Hợp tác năng lượng là hướng hợp tác quan trọng được triển khai hiệu quả ở các công trình thủy điện lớn như Hoà Bình, Thác Mơ, Yaly, đường dây 500KV. Hai bên đã thoả thuận hợp tác thực hiện các dự án năng lượng mới như thiết kế, xây mới và cải tạo nhà máy nhiệt, thuỷ điện và truyền tải điện được xây dựng với sự trợ giúp của U-crai-na và Liên xô trước đây, trong đó có Nhà máy thuỷ điện Thác Bà đang được tổ hợp “Ucrinterenergo” của U-crai-na giúp cải tạo với hợp đồng trị giá khoảng 10 triệu USD. 

2. Về đầu tư: U-crai-na có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 24 triệu USD vào Xí nghiệp liên doanh Bông sen - vận tải Biển (19,6 triệu USD), Công ty liên doanh chế tạo, thiết kế, thi công trạm thủy điện nhỏ (1,2 triệu USD), Xí nghiệp liên doanh chế biến các sản phẩm rau quả xuất khẩu (2,2 triệu USD), hợp tác lắp ráp xe KRAZ tại Quảng Ninh.

U-crai-na quan tâm hợp tác trong lĩnh vực đóng, sửa chữa tàu biển ở Việt Nam, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt, đào tạo chuyên gia cho Việt Nam về vận tải biển và đường sắt, hợp tác trong lĩnh vực nghề cá.

Hiện nay, Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại U-crai-na với tổng vốn đầu tư 27 triệu USD, phần lớn do doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại U-crai-na đầu tư vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm (mì ăn liền), bao bì, carton, nhà hàng.

3. Về tài chính, ngân hàng: Bộ Tài chính hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ngày 8/4/1996. Hai ngân hàng Nhà nước Việt Nam và U-crai-na đã ký thoả thuận hợp tác. Quan hệ thanh toán đại lý giữa các ngân hàng thương mại hai bên cũng đã được thiết lập nhằm tạo thuận lợi trong thanh toán giữa hai nước.

III. HỢP TÁC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ:

Trung tâm khoa học - kỹ thuật và công nghệ quốc gia Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học U-crai-na đã thoả thuận lập Trung tâm chuyển giao công nghệ cao tại Việt Nam, để chuyển giao một số công nghệ của U-crai-na như: hàn dưới nước, sản xuất titan, công nghệ sinh học… Trong năm 2005 đã bắt đầu triển khai dự án chuyển giao công nghệ titan cho Việt Nam. Tháng 4/2009, Đoàn của Tập đoàn “Titan U-crai-na” đã sang Việt Nam để chuẩn bị những kiến nghị tham gia vào đấu thầu xây dựng khu liên hợp sản xuất dioxit titan tại Việt Nam.

IV. HỢP TÁC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO:

Hàng năm U-crai-na và Việt Nam cung cấp cho nhau hơn 30 suất học bổng. Hiện nay, có khoảng 1.400 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tại U-crai-na (phần lớn học tự túc) và khoảng 25 sinh viên U-crai-na học tại các trường Đại học của Việt Nam. Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác về giáo dục và khoa học giai đoạn 2003-2008 và Hiệp định giữa Chính phủ về công nhận lẫn nhau các văn bằng giáo dục, học vị và học hàm (4/11/2004).

V. HỢP TÁC ĐỊA PHƯƠNG:

Hai bên đang thúc đẩy và khuyến khích hợp tác giữa các địa phương trong đó có thoả thuận hợp tác giữa Hà Nội và Ki-ép, Thành phố Hồ Chí Minh và Khác-cốp, Khánh Hoà và Khác - cốp, Phe-ô-đô-xia và Hải Phòng. Phía U-crai-na bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ trực tiếp giữa khu tự trị Crưm với một tỉnh của Việt Nam. Phía Việt Nam đề nghị xem xét việc thiết lập quan hệ trực tiếp giữa Thành phố Cần Thơ của Việt Nam với một thành phố của U-crai-na.

VI. HỢP TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC KHÁC:

Hợp tác du lịch: Ngày 6/4/2000 trong khuôn khổ chuyến thăm U-crai-na của Chủ tịch nước Trần Đức Lương hai bên đã ký Hiệp định hợp tác du lịch. Hai bên thoả thuận trao đổi thông tin về cơ sở pháp lý và thông tin chuyên ngành cũng như tiến hành các chương trình quảng cáo du lịch. Nhiều doanh nhân Việt Nam tại U-crai-na đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch điển hình là khu du lịch Vinpearl Resort tại đảo Hòn Tre, Nha Trang. Hai nước đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

VII. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI U-CRAI-NA:

Có khoảng 10.000 công dân Việt Nam, phần lớn tập trung ở thành phố Khác-cốp (trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp) sinh sống, làm ăn, được tập hợp thành các tổ chức như các hội người Việt Nam và hội đồng hương; có những doanh nhân làm ăn thành đạt đã bắt đầu đầu tư về nước (khu du lịch Hòn Tre – Khánh Hoà, Siêu thị Vincom – Hà Nội). Nhìn chung, chính quyền Bạn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ta sinh sống, làm ăn tại U-crai-na.​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​